Tràn lan đá "bẩn" tại nhà hàng, quán cóc
Hiện trên địa bàn Hà Nội có hơn 400 cơ sở sản xuất nước đá dùng liền và nước tinh khiết có công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và được cấp phép. Nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Hà Nội đang áp dụng các biện pháp mạnh để xử lý những cơ sở sản xuất nước đá không bảo đảm vệ sinh.
Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Trần Ngọc Tụ cho biết, qua công tác kiểm soát tại nơi sản xuất, từ đầu mùa hè cho đến nay, cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt không ít cơ sở sản xuất nước đá dùng liền không bảo đảm ATVSTP. Mới đây, đoàn kiểm tra đã lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 cơ sở sản xuất nước đá dùng liền không thực hiện đúng quy định về chất lượng, đó là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ du lịch Trung Hiếu (số 14 - Chương Dương Độ - Hoàn Kiếm) và Công ty cổ phần Sản xuất và Dịch vụ thương mại Hoàng Gia Thái Anh (lô B8/D7 - Khu đô thị mới Cầu Giấy).
Riêng tại quận Long Biên cũng đã yêu cầu ngừng hoạt động đối với 2 cơ sở sản xuất nước đá dùng liền chưa bảo đảm các yêu cầu về ATTP, đó là Công ty TNHH Thương mại Lê Nhân (khu đấu giá B2-3/No 02 ngõ 1 - Tổ 9 phường Việt Hưng) và cơ sở sản xuất nước đá dùng liền (tổ 7 - phường Phúc Lợi). Thậm chí, khi kiểm tra, xác minh về sản phẩm nước đá dùng liền Trung Nghĩa (đóng túi 5kg, có địa chỉ sản xuất tại số 8 phố Lệ Mật, phường Việt Hưng, quận Long Biên) và nước uống đóng chai 19 lít nhãn hiệu nước tinh khiết Hoài An của Công ty TNHH Hoài An (tại tổ 6, phường Sài Đồng, quận Long Biên) hiện đang bán trên thị trường mới hay trên địa bàn các phường trên không có cơ sở sản xuất nước đá dùng liền Trung Nghĩa cũng như nước tinh khiết Hoài An…
Trước thực trạng trên, bác sĩ Chu Thanh Hương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đưa ra cảnh báo, nước đá nếu sản xuất theo dây chuyền không bảo đảm an toàn và sử dụng nguồn nước giếng khoan, hay nguồn nước không qua xử lý sẽ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Các xét nghiệm đã chỉ ra rằng, nước đá "bẩn" dễ nhiễm vi khuẩn E.coli, Coliforms, Feacal streptoccoc có thể gây bệnh đường ruột, tiêu chảy cấp, một số gây suy thận, nhiễm khuẩn đường huyết. Riêng vi sinh Pseudomonas aeruginosa (còn gọi trực khuẩn mủ xanh) có trong nước đá "bẩn" nếu xâm nhập vào phổi, thận, đường tiết niệu... còn gây tử vong. Hơn nữa sản xuất nước đá chưa xử lý nguồn nước còn có nguy cơ tồn dư kim loại nặng, hóa chất (như: Thủy ngân, chì, asen, kẽm...) là mối nguy hại nghiêm trọng đối với sức khỏe con người.
Trong khi đó hiện nay tại các bến xe, cổng bệnh viện, nơi công sở… dễ dàng bắt gặp các quán giải khát, trà đá di động sử dụng loại đá "ba không": Không nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh, không tiêu chuẩn chất lượng để pha chế nước giải khát cho người tiêu dùng. Tại nhiều quán hàng, người kinh doanh còn bảo quản đá lạnh trong những thùng xốp nhỏ cáu bẩn, dùng tay trần bốc đá. Đáng lưu ý là một số quán còn sử dụng đá cây - loại đá chỉ được dùng để ướp thực phẩm để pha chế...
Muốn tồn tại phải chấp hành quy định
Hiện nay, các cơ quan chức năng Hà Nội thường xuyên tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất nước tinh khiết, nước đá dùng liền. Ông Trần Ngọc Tụ cho biết, tất cả các cơ sở vi phạm, Chi cục ATVSTP thành phố sẽ tái kiểm tra thường xuyên việc khắc phục tồn tại, đồng thời sẽ lấy mẫu kiểm nghiệm tại nơi sản xuất và mẫu bán trên thị trường để kiểm nghiệm. Cơ sở nào không bảo đảm ATVSTP sẽ đình chỉ hoạt động và công khai danh sách các cơ sở vi phạm. "Cơ sở sản xuất nước đá muốn tồn tại phải thực hiện đúng quy định của pháp luật" - ông Trần Ngọc Tụ nhấn mạnh.
Nhằm giúp người dân tự bảo vệ sức khỏe của chính mình, đại diện một công ty sản xuất đá tinh khiết đã đưa ra kinh nghiệm phân biệt đá viên tinh khiết pha lê sản xuất theo dây chuyền đạt chuẩn và đá viên sản xuất thủ công. Theo đó, đá viên sản xuất thủ công, sử dụng nguồn nước giếng không qua quá trình xử lý, lọc hay lắng cặn khi tan hết để lại cặn, vẩn đục. Còn đá viên tinh khiết cho vào cốc nước vẫn trong suốt, có thể nhìn thấu sang bên kia. Đá viên tinh khiết lâu tan chảy gấp 4-5 lần so với đá viên gia công. Khi đá viên tinh khiết tan hết, nước trong như nước khoáng.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cũng đưa ra khuyến cáo, người tiêu dùng và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ nên mua đá tại các cơ sở sản xuất nước đá dùng liền được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP và được công bố hợp quy, cơ sở có xét nghiệm định kỳ về nguồn nước sử dụng và sản phẩm nước đá theo quy định. Ngoài ra, người tiêu dùng lưu ý chọn mua đá sạch, dùng trong ăn uống là loại đá phải được đựng trong bao bì kín, hợp vệ sinh, có đầy đủ nhãn mác, tên nhà sản xuất.